Xin chào, tôi đã đọc khá nhiều cuốn về phương pháp học tập, lần đầu tiên là cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo, thời điểm đó là khoảng năm 2006, cuốn sách thực sự là cuộc cách mạng về phương pháp học tập. Bản thân tôi được khai sáng với hàng loạt những thuật ngữ của phương pháp học hiện đại như sơ đồ tư duy, lập trình não bộ NLP, học tập bằng cả 2 bán cầu não trái, não phải,… Mặc dù Adam Khoo không phải là người phát minh ra chúng nhưng những gì anh áp dụng và chia sẻ trong cuốn sách là rất cần thiết cho người trẻ như tôi.

Sau này, tôi có dịp đọc thêm những cuốn như “Phương pháp học tập siêu tốc” của tác giả người nước ngoài, tên dài lắm cũng chẳng nhớ nữa. Cuốn đó cũng hay mặc dù nhiều nội dung bị trùng lặp với cuốn trên, nhưng nó giải thích kĩ hơn về hoạt động của não bộ, đặc biệt là nhấn mạnh mỗi người có 1 cách học riêng thiên về nghe, đọc hoặc qua hoạt động thể chất để tiếp thu kiến thức nhanh hơn. So ra thì tôi thuộc dạng học theo cách đọc là dễ vào nhất.

Hoặc như cuốn “Cách đọc sách” của Paul Edwards. Nói thật nhé, nếu bạn là người đọc sách thì đừng bỏ qua cuốn này. Sách quá hay đi, đọc 1 cuốn sách theo tôi đọc 3 lần như tác giả hướng dẫn là tốt nhất, chuyên gia từ đây mà sinh ra chứ đâu. Tôi đã làm hẳn ghi chú về nó này:

Thì cho đến gần đây, tôi mới đọc thêm được cuốn Làm sao học ít, hiểu nhiều của ông Zion Kabasawa (đùa chứ tôi k giỏi nhớ tên tác giả, lần sau bạn đọc nếu thấy tôi k nêu tên tác giả thì thông cảm cho tôi nhé). Tôi có hứng đọc cuốn này vì tính tôi thích đọc những gì mang tính nghiên cứu, có cơ sở lập luận hẳn hoi trong khi ông này là bác sĩ khoa thần kinh, về nguyên lý hoạt động của não bộ thì hẳn người ta nắm rõ.
Và thực sự tôi đã không thất vọng.
Cuốn sách quá hay đi, và nó chính là nguyên nhân thôi thúc tôi quay lại và lập nên blog này đấy.
Hưởng ứng tinh thần chia sẻ “3 điểm là đủ” như cuốn sách đề cập, tôi xin viết 3 điểm “ăn tiền” nhất của cuốn sách.
Điểm số 1: Là một cuốn sách hướng dẫn phương pháp học tập nhưng rất đặc biệt ở chỗ nêu bật được tầm quan trọng của việc học cũng như phương pháp để vui vẻ hóa việc học.
Bản thân tôi đã là một người “nghiện” học, do vậy tôi tiếp thu nội dung này với một tâm trạng rất thích thú. Rất bổ ích ở chỗ tác giả coi việc học là một sự vui vẻ bằng một số phương pháp như: chơi và nói chuyện với những người thích học, tìm ra vẻ đẹp và ý nghĩa của những kiến thức mà mình định học hoặc nghiên cứu,…
Việc học tập, nghiên cứu đúng cách là cách có thể giúp ta đạt đến trình độ chuyên gia. Thử tưởng tượng trong một xã hội cạnh tranh như hiện tại, việc sở hữu kiến thức và kĩ năng vượt trội trở nên quan trọng đến thế nào. Bản thân tôi cũng tin tưởng rằng trình độ càng cao thì càng có nhiều khả năng thành công.
Tôi cũng muốn trí não mình luôn luôn được rèn luyện, không phải cứ càng lớn tuổi mà khi nhắc đến sự học lại là sự ngại ngần như những người khác. Còn có rất nhiều lĩnh vực mà tôi còn muốn thử sức.
Điểm số 2: Một số phương pháp học rất hay cần phải áp dụng trong quá trình học tập, nghiên cứu mà tôi đọc được từ cuốn sách:
+ Với 1 kiến thức mới, tôi sẽ phải đi qua tổng quan chương trình học để nắm được cái tổng thể, nhờ đó mà trong quá trình học tôi biết mình đang ở đâu, tạo sự hứng thú trong việc học. Áp dụng trong đọc sách cũng vậy, tôi sẽ cố gắng để nắm bắt nội dung tổng thể của nó trong 15-30phút, bằng cách lướt mục lục, tìm đến những nội dung trọng yếu để xem lướt trước.
+ Tôi sẽ coi trọng những kiến thức cơ bản, nền móng có vững thì mới có thể phát triển và nâng cao và đạt đến sáng tạo được. Đó cũng chính là nền tảng của phương pháp học Shuhari: Nắm vững – Độc lập – Sáng tạo. Có nghĩa rằng ngay từ ban đầu tôi sẽ ngoan ngoãn tuân theo huấn luyện viên/thầy dạy của mình mà không đặt câu hỏi vì sao; sau đó tôi sẽ độc lập suy nghĩ và cuối cùng là ứng dụng theo phong cách riêng của bản thân.
+ Phải tạo được tâm trạng vui vẻ khi học. Chia việc học thành mỗi ngày chứ không học kiểu cách quãng, sẽ không giúp ích gì cho trí nhớ. Muốn ghi nhớ kiến thức tốt hơn thì tôi phải sử dụng cử động vật lý của cơ thế như nói hoặc viết lại. Viết tay sẽ tốt hơn là đánh máy.
+ Mỗi một hội thảo hoặc 1 cuốn sách, hoặc 1 khóa học tôi chỉ cần nhớ được 3 điểm hữu ích là đủ. Quan trọng là vận dụng được kiến thức.
Điểm số 3: Có học nhiều đến mấy cũng sẽ thành vô ích nếu tôi không xuất được kiến thức ở đầu ra.
Đầu ra vô cùng quan trọng, bằng mọi giá khi tôi học tập, nghiên cứu thì tôi phải xuất được đầu ra cho kiến thức đó. Đầu ra ở đây được thực hiện bằng các phương pháp: dạy lại, giải thích lại, viết lại, trình bày lại, viết lại (chính là xuất bản sách) những kiến thức đã học. Việc hệ thống kiến thức, trình bày và đưa ra quan điểm cá nhân chính là quá trình xuất đầu ra đúng đắn. Việc xuất bản cần phải làm thường xuyên, gần như mỗi ngày, thông qua các phương tiện của mạng xã hội (Facebook, Blog, Youtube,…)
Tỷ lệ đầu vào, đầu ra lý tưởng nhất là 3:7. Coi trọng kiến thức hơn thông tin, có nghĩa là đọc sách nhiều hơn lướt web, tỷ lệ là 2:8.
Muốn có đầu ra hiệu quả, tôi sẽ ép buộc mình phải tổ chức trình bày lại trước một số người khác nhằm khai thác sâu nhất kiến thức đầu vào.
Đặc biệt, việc viết lại các kiến thức bằng ngôn ngữ của mình thông qua việc viết sách là 1 cách tuyệt vời.
Ok, như vậy tôi đã tóm lược 3 ý chính cho 1 cuốn sách hướng dẫn phương pháp học tập mà bản thân cảm thấy rất ưng ý.
Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ cố gắnh hành động theo phương châm xuất thật nhiều đầu ra cho việc học tập của mình.
Trả lời