Xin chào, là mình đây.
Vậy là lại trôi qua một khoảng thời gian mình bỏ ngỏ Blog này, nói rằng quá bận thì nghe biện hộ quá, nhưng quả thật mình có rất nhiều việc phải làm, phải học để tự nâng cao trình độ của mình, mang lại một giá trị gì đó hữu ích cho bạn đọc.
Tự hứa với bản thân từ giờ sẽ chăm chỉ post bài hơn, đó cũng là một cách rèn luyện tư duy mà, phải không?
Hôm nay mình muốn giới thiệu cuốn sách “Kỹ năng đi trước đam mê” của tác giả Cal Newport, cuốn này mình đã từng đọc cách đây vài năm. Thế nhưng rất tiếc mình đã không hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa ứng dụng quan trọng của nó. Vừa rồi tình cờ thế nào lại lướt qua bìa sách, nhớ ra rằng cuốn sách này có một chương rất hay liên quan đến rèn luyện có chủ đích, và khẩu quyết xuyên suốt của cuốn sách đó là: Hãy giỏi đến mức mà không ai có thể phớt lờ bạn (trời hay quá đi, đọc lên thấy tràn đầy động lực – bạn có giống mình không??), vậy là mình đã đọc lại cuốn này (trong 2 ngày).
Lần thứ 2 này đọc mới thực sự thấm thía và càng tự tin hơn cho chiến lược sự nghiệp của mình. Và giờ mình xin tóm tắt lại, đồng thời lồng ghép những quan điểm bản thân đối với cuốn sách tuyệt vời này cho bạn nhé.
Cả cuốn sách tập trung vào 4 quy tắc. Để diễn giải từng quy tắc thì nó khá dài và có nhiều ví dụ về các nhân vật đã trở nên thành công hay thất bại như thế nào trong bước đường sự nghiệp. Tuy nhiên mình sẽ diễn tả lại theo góc nhìn của mình.
Quy tắc 1. Đừng theo đuổi đam mê của bạn.
Quy tắc này cũng chính là tư tưởng của khóa học đi tìm đam mê của thầy Lê Thẩm Dương (hay thầy cũng đọc quyển này ta?), nó toát lên ý rằng đam mê không có trước, bạn tưởng rằng bạn chạy theo thứ mà bạn tưởng là đam mê nhưng thực ra sau này mới biết nó không phải, có những lĩnh vực mà sau này bạn nhận ra nó chỉ là sở thích và bạn không thể theo đuổi nó. Nếu bạn cứ mù quáng chạy theo nó, sẽ đến lúc bạn phải hối hận vì bạn đã nhầm. ĐAM MÊ LÀ THỨ KHÔNG DỄ DÀNG NHẬN ĐỊNH NGAY ĐƯỢC, PHẢI LÀM THỬ MỚI BIẾT.
Vấn đề là, bạn chạy theo thứ tạm gọi là đam mê mà bạn tưởng, nhưng bạn không thể theo nó lâu dài vì bạn không đủ giỏi và không đủ kỹ năng để kiếm được tiền từ nó, không đủ giỏi nên không được xã hội ngoài kia công nhận, vậy thì 1 là bạn thiếu đi tài chính để sống và tồn tại, 2 là bạn không đủ động lực để theo đuổi nó nữa. Do vậy trước khi quyết định dấn thân làm một điều gì, bạn cần có tài năng trước đã. Vậy thì làm sao để có được tài năng? Điều này dẫn đến quy tắc số 2.
Quy tắc 2: Hãy trở nên giỏi đến mức không ai có thể phớt lờ bạn
Như mình đã nói trên, bạn cần có kỹ năng về 1 lĩnh vực trước đã, bạn phải giỏi đã, sau đó mới tính đến chuyện thử sức trong lĩnh vực đó (lĩnh vực nào mình chưa biết nhé, đam mê vẫn đang được đi tìm mà). Hay nói theo ngôn ngữ của tác giả, bạn cần tích lũy cho bằng được thứ gọi là vốn liếng sự nghiệp.
Để có vốn liếng sự nghiệp, không phải cứ cắm đầu vào làm là được, mà trong đó nó là cả 1 quá trình rèn luyện “một cách có chủ đích”. Đây chính là cách để trở nên tài năng, và cũng là quan điểm trùng với cuốn sách “Mật mã tài năng” của Daniel Coyle. Để nói về cách rèn luyện này, bạn phải rèn luyện “vượt ngưỡng”, tức là sao? Tức là luôn đưa mình vào trong trạng thái trí não phải căng ra, phải khó chịu, phải không cảm thấy thoải mái. Khi rèn luyện như vậy, các neuron thần kinh sẽ tạo thêm được các mối liên kết với nhau để học được các kỹ năng một cách thành thục.
Lấy ví dụ: Muốn học thật giỏi thì hãy căng mình ra để giải các bài toán khó.
Muốn chơi guitar giỏi thì hãy cố mà tập luyện những kỹ năng khó, phức tạp.
Muốn lead được dự án thì phải lao vào những dự án phức tạp, đòi hỏi tư duy, căng não nhiều hơn.
Muốn đá bóng giỏi thì phải tập trong điều kiện khó khăn (ví dụ chơi chân đất, đá trên cát, tập những kỹ năng khó).
Mình xin lưu ý, khó ở đây không có nghĩa là khó theo khung trình độ nào đó, mà là khó với BẠN. Điểm cốt yếu ở đây chính là bạn phải căng não ra, và làm những động tác, kỹ năng khiến cho bản thân cảm thấy không thoải mái và bị lúng túng. Đó là cách kỹ năng hình thành. Chấm hết.
Ngoài ra, hãy thật tập trung, đừng xao lãng, đừng để bị ngắt quãng, trí não khi được tập trung sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao trình độ.
Quan trọng nữa là, trong quá trình luyện tập phải tìm kiếm phản hồi. Phản hồi tức là sao? Tức là bạn nhận được kết quả thật nhanh, dựa vào đó mà rút kinh nghiệm, chỉnh sửa cho những lần tập luyện sau.
Ví dụ giải toán khó thì đếm thời gian, đếm số cách giải, chưa giải được có nghĩa là phản hồi chưa tốt.
Chơi guitar thì xem đã thành thục chưa, nếu chưa là phản hồi chưa tốt.
Lead dự án thì xem dự án có thành công không, phản hồi của team về cách mình tư duy và cách mình làm việc thế nào.
Đá bóng thì để ý số lần mất bóng, chuyền hỏng, bàn thắng ghi được, truy cản được không để liên tục rút tỉa kinh nghiệm…
Và lần sau chúng ta sẽ không lặp lại những sai lầm đó nữa.
Quy tắc 3: Tầm quan trọng của sự kiểm soát
Công việc mà có 3 đặc điểm như sau là 1 công việc tuyệt vời:
- Sự sáng tạo: Bạn được tạo ra cái mới, được tư duy, thực hành để đạt hiệu quả tốt hơn thì đó là sự sáng tạo.
- Sự ảnh hưởng: Bạn nói có người nghe, bản thân được tôn trọng
- Sự kiểm soát: Bạn tự chủ quản công việc của chính mình, không phải nghe sai phái hay ép buộc, áp lực từ ai (hoặc rất ít áp lực)
Về cơ bản quy tắc này nói lên rằng bạn cần có được sự kiểm soát trong công việc mình làm, nếu không có sự kiểm soát thì bạn sẽ rất khó để đến được với đam mê của mình. Ở đây tác giả có nói đến 2 cái bẫy: 1 là bẫy chưa có vốn liếng sự nghiệp mà đã vội chạy theo cái gọi là đam mê, bẫy số 2 là nếu có vốn liếng sự nghiệp rồi mà lại để cấp trên hoặc người khác giới hạn sự kiểm soát thì cũng không thể tự do theo đuổi đam mê được.
Để lựa chọn 1 công việc, hãy đặt tầm quan trọng của sự kiểm soát làm tiêu chí hàng đầu. Bạn toàn quyền, bạn chủ động, bạn tự chịu trách nhiệm. Cuộc đời sẽ tự do.
Quy tắc 4: Tầm quan trọng của sứ mệnh
Quy tắc này nói lên rằng bạn cần tìm được sứ mệnh cho công việc mình làm, để tạo động lực cho bạn tiếp tục theo đuổi. Thử tưởng tượng nếu bạn thích thu âm chẳng hạn, có khi cả đêm đàn hát và hoàn chỉnh bản thu đối với bạn là chuyện nhỏ, nhưng nếu bắt bạn nấu bếp chẳng hạn, liệu bạn có làm được cả đêm không – một khi không thích?
Sứ mệnh này cần có điều kiện tiên quyết là vốn liếng sự nghiệp phải tốt (hay phải có kỹ năng xuất sắc, tài năng xuất chúng), tác giả có nói đến nguyên lý tiến vào cùng tiên tiến nhất để tạo ra đột phá nhưng mình sẽ không trình bày ở đây vì nó học thuật quá. Bạn chỉ cần hiểu rằng, bạn cần có vốn liếng sự nghiệp trước đã, thì bước đột phá về sứ mệnh mới có thể hiện ra.
Bạn cũng hoàn toàn có thể thực hiện những dự án nho nhỏ để đánh giá mức độ thành công trong lĩnh vực mình đang làm, rất có thể nếu làm tốt nó sẽ trở thành dự án đam mê suốt đời của bạn. Mình thích thu âm, vì vậy mình có thể làm 1 kênh Youtube để đánh giá phản ứng của mọi người về các bản thu của mình chẳng hạn. Nếu thành công, mình sẽ phát triển nó trở thành 1 kênh lớn. Hoặc mình có thể làm Blog để xây dựng thương hiệu, như bây giờ mình đang làm. Nếu thành công, mình có thể theo đuổi con đường này. Có thể lắm chứ. Nhưng trước đó, lĩnh vực mình làm phải tạo ra TIỀN, xã hội có chấp nhận trả tiền cho kỹ năng mình đang có không, chỉ cần câu trả lời là có, mình sẽ bắt đầu làm ngay.
Cuối cùng, bạn cần có kỹ năng “gáy”, nghĩa là biết marketing cho thứ mình đang làm ấy. Tiếp thị được chúng, tạo dấu ấn cho bản thân thì bạn sẽ được người ta ghi nhớ và đánh giá cao, trên hết chúng ta cần phải được công nhận là làm tốt, làm xuất sắc đã, rồi mới tính đến việc theo đuổi đam mê. Nói theo Seth Godin thì bạn hãy trở thành một con bò màu tím, rất đặc biệt, không ai có thể quên.
Kỹ năng đi trước đam mê đối với mình là một cuốn sách tuyệt vời, mình thích những cuốn sách có căn cứ khoa học như vậy, nó giải thích được thành công dựa trên cơ sở phân tích, chứng minh, lập luận đàng hoàng. Bạn nên đọc và nghiền ngẫm cuốn này để có bước đi đúng đắn nhằm sớm tìm được đam mê đời mình. Cuộc sống rất tuyệt diệu, một lần sống trên đời lẽ nào ta không thể sống hạnh phúc mà phải dật dờ như bóng ma? Ngày này qua ngày khác chẳng có cảm xúc, chẳng có có gì khác nhau. Cống hiến cho công việc mà mang lại niềm vui, tiền bạc mới là cuộc đời đáng sống. Mình kỳ vọng và sẽ làm như vậy.
BÍNH viết
Hay quá a oi