Gần đây mình có đọc cuốn: “Cái dũng của thánh nhân”, tác giả là cụ Nguyễn Duy Cần (hiệu là Thu Giang), gấp cuốn sách lại trong mình cảm nhận rất rõ một sự tĩnh lặng bình yên đến lạ lùng, tất cả là do những bàn luận, hướng dẫn của cụ liên quan phần nhiều đến tính điềm đạm.
Nếu như bạn muốn được nghe những lời răn dạy tâm huyết từ một bậc đi trước, đầy kinh nghiệm sống ở đời thì hãy đọc cuốn này.
Để nói một cách công bằng thì đây là một cuốn sách tương đối dễ đọc vì (1) sách ngắn, chỉ hơn 100 trang (2) nội dung được trình bày logic, rõ ràng.
Những điểm ấn tượng với mình
Có lẽ ấn tượng nhất và cũng đọng lại nhiều nhất trong suy nghĩ của mình là các nội dung liên quan đến thực hành tính điềm đạm được đề cập trong cuốn sách. Để luyện được điềm đạm thì tác giả “Cái dũng của thánh nhân” đề cập đến dưỡng tính và luyện tính
Dưỡng khí: Ít nói làm nên sự điềm đạm
Muốn dưỡng tính thì đầu tiên cần kiểm soát những náo động trong suy nghĩ của bản thân, biểu hiện ở đây là ít nói, đã nói là nói đúng, nói trúng và chỉ nói khi cần thiết.
Mình để ý trong thực tế cuộc sống, những người nói nhiều là những người hay than vãn, vì họ mất đi quá nhiều năng lượng vào lời nói, tâm hồn luôn xáo động, ảnh hưởng tới những cử chỉ, động tác vô thức của họ.
Điều đó khiến cho tổng thể, nhìn họ toát lên 1 sự giả tạo giữa tính cách thật và biểu hiện bên ngoài. Thêm một điểm quan trọng nữa, là nội dung lời nói (hay khẩu khí) của họ thường nghèo nàn, nhàm chán, chỉ xoay quanh những chuyện tầm phào về sinh hoạt cuộc sống hay bàn luận về người khác…
Vậy nên, thu khí về mình bằng cách ít nói lại, trở nên trầm tĩnh là bước đầu tiên để luyện tập tính điềm đạm.
Nói thật, và chỉ nói thật
Theo tác giả, người ta chỉ nói dối khi sợ phải đối mặt với hình phạt và hậu quả.
Một khi đã vượt qua được nỗi sợ và chỉ nói thật, con người ta đã sẵn sàng để đối mặt với mọi thách thức. Điều đó hun đúc lên một tâm hồn ngay thẳng và hiên ngang, không e sợ và gục ngã trước bất kì thứ gì. Và nếu buộc phải nói ra điều không đúng sự thật, người điềm đạm sẽ chọn cách im lặng.
Cá nhân mình cũng rất tâm đắc với nội dung này của cụ. Một người luôn nói thật ở họ luôn toát lên một sự uy tín khủng khiếp vì bản thân lời nói của họ là một sự xác tín không thể chối cãi, và đảm bảo rằng điều đó sẽ được thực hiện.
Trong “Cái dũng của thánh nhân”, khi đã nói thật, bản thân ta trở nên đường hoàng, chính trực, mọi cử chỉ thể hiện một cách mạnh mẽ, dứt khoát, không thẹn với chính mình. Còn chỉ những kẻ nói dối mới phải đê hèn luồn cúi và không dám đối mặt với chính bản thân họ, cũng như nỗi sợ của họ. Thiết nghĩ, những điều này chẳng có gì phải bàn cãi gì nhiều.
Nội thân điềm đạm, ngoại thân trầm tĩnh
Một người điềm đạm giống như một thân cây vững chắc chẳng gì có thể lay chuyển nổi. Chẳng gì ở ngoại vật có thể tác động đến tâm hồn của họ.
Vì vậy, cụ có hướng dẫn một số phương thức thực hành như luôn tập tỏ ra bình thản trước mọi sự vật sự việc, đừng tỏ ra quá xúc động, quá vui, quá buồn, quá sợ hãi…
Trong “Cái dũng của thánh nhân”, nói như thế không phải cụ có ý muốn chúng ta bỏ qua mọi cảm xúc trên đời vì cuộc sống đâu phải chỉ có một màu, mà ở đây chỉ đơn giản là tập luyện trong từng tình huống, khéo lợi dụng những cái ngoại vật ra để tôi luyện tâm hồn mình được trở nên trầm tĩnh.
Đạt được một thành công lớn chẳng hạn, tự ta ung dung thưởng thức nó, không cần phải bù lu bù loa thông báo hết người này đến người khác, rồi post Face đăng zalo …
Đi xem show âm nhạc cũng vậy, cũng đừng gào thét hoa tay múa chân, cứ bình thản mà thưởng thức…
Trong cuộc nói chuyện, chẳng cần phải tranh kể chuyện, tranh bình luận, tranh nói từ người khác, cứ thản nhiên mà lắng nghe, lúc cần nói thì nói…
Sống ý chí
Theo cụ, phàm mình đã cân nhắc lợi hại trước sau, đã tham khảo ý kiến, khi đã ra quyết định thì cứ thế mà thực thi, chẳng cần phải quan tâm đến người khác nghĩ gì hay nói gì về mình, tỏ ra “sống một cách nguy hiểm” (nguyên văn câu của cụ), cho đúng với chí tang bồng của người đàn ông.
Có lẽ cả bạn, và mình đều có lúc sợ trước sợ sau, tham khảo đủ các loại ý kiến trên đời từ thầy cô, cha mẹ, bạn bè, thậm chí cả trên mạng nhưng cũng không đủ ý chí để thực hiện một việc gì đó vì có quá nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng nó cũng là thử thách để cho ta vượt qua, và một khi đã quyết thì phải thực hiện một cách đến nơi đến chốn.
Vậy trong ” Cái dũng của thánh nhân”, điều gì khiến mình chưa hài lòng
Về mặt nội dung, nói thẳng là mình chưa đủ “tuổi” để nhận xét cuốn sách của cụ. Chỉ có điều với một người trẻ sống trong xã hội hiện đại như mình, cách hành văn từ thế kỷ trước quả thật là một sự hơi khó chịu nhẹ vì có nhiều cụm từ sử dụng pha lẫn từ Hán Nôm (?) khiến cho nhiều lúc đọc lên mình thấy khó hiểu (ví dụ như mạng lệnh, cang cường, vụt chạc, vô cố…) Một số ít câu chuyện mang tính thần thoại hoặc không phù hợp với lối giao tiếp ngày nay.
Tổng kết
“Cái dũng của thánh nhân” là cuốn sách đỉnh nhất về điềm đạm vì mình thấy không có nhiều cuốn sách nói về chủ đề này một cách sâu sắc và đậm chất Á Đông như vậy. Giọng văn tương đối dễ hiểu, rõ ràng và đặc biệt có phần thực hành chỉ dẫn chi tiết các hành động phải làm. Quan trọng hơn, nó là lời chỉ dạy của một bậc thầy triết học cũng như kinh nghiệm sống từ thế kỷ trước. Là một người trẻ thì đây giống như lời răn dạy của người ông, người cụ dành cho cho cháu của mình mà không phải ai cũng có cơ hội được lắng nghe.
Trả lời