Xin chào, ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ cho bạn một bài nói chuyện rất ngắn, chỉ 15 phút đồng hồ nhưng có giá trị tương đương 1 khóa học. Với chủ đề: Làm thế nào để có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc?
Đó là bài trình bày của Robert Waldinger, ông là giám đốc của dự án nghiên cứu sự phát triển của người trưởng thành (dự án này đã hoạt động xuyên suốt 75 năm); đồng thời ông cũng là Giáo sư của trường Y khoa Harvard.
Tôi tình cờ biết đến bài nói chuyện của ông trên Ted Talks khi tìm nguồn để luyện kĩ năng listening English của mình. Và tôi đã thực sự bất ngờ, thích thú khi khám phá ra nội dung tuyệt vời mà ông chia sẻ.
Trước khi đọc tiếp, tôi đề nghị bạn hãy xem qua Video của ông: https://www.youtube.com/watch?v=8KkKuTCFvzI&t=251s&ab_channel=TED
Ok, bạn đã xem xong rồi chứ? Giờ thì tôi và bạn sẽ có chung một nền ý tưởng, chúng ta sẽ cùng thảo luận với nhau.
Bài nói chuyện với nội dung chủ đạo muốn giải quyết câu hỏi: Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta? Đây là câu hỏi mà với mỗi góc nhìn của mỗi cá nhân lại có câu trả lời khác nhau. Người sẽ nói tới tiền bạc, người sẽ nói đến gia đình, thành công, du lịch, nhà cao cửa rộng, con cái thành đạt, sự nổi tiếng, sự nghiệp đỉnh cao,…
Tôi cũng là một người suy nghĩ như họ vậy. Thế nhưng trong cách tìm tòi sách vở để đọc, tôi luôn chú ý tới những cuốn sách mà có cơ sở khoa học, thống kê, dẫn chứng cụ thể và rõ ràng. Như bài post trước tôi đã thể hiện quan điểm, tôi rất ghét những cuốn sách viết bằng cảm xúc cá nhân, tự đúc kết triết lý trong khi cá nhân không thực sự qua trải nghiệm.
Thì rất may, với câu hỏi khó trên, họ đã hẳn một dự án nghiên cứu rất dài (đến 75 năm, qua 4 đời giám đốc dự án), rất công phu, chi tiết và khoa học để giải đáp vấn đề. Điều đó làm cho tôi dù là một kẻ rất hoài nghi nhưng đã cảm thấy yên tâm để theo dõi.
Tạm bỏ qua những chi tiết của cuộc nghiên cứu, tôi xin chỉ thẳng vào kết quả, đó là tóm lại cả 10.000 trang nghiên cứu, đích đến chỉ có 1, đó là không phải tiền bạc, không phải danh tiếng, cũng không phải sự nghiệp,.. mà để mạnh khỏe và hạnh phúc, con người ta cần những mối quan hệ tốt.
Cụ thể là thế nào? Hãy nhớ không phải số lượng mà là chất lượng, đặc biệt là những mối quan hệ gần gũi trong gia đình. Ngoài ra, ta cần có những mối quan hệ bền chặt với bạn bè và cộng đồng. Ích lợi của những mối quan hệ tốt đã được chứng minh, nó giúp ta khỏe mạnh hơn về tuổi già (mặc dù vẫn tồn tại nỗi đau về thể xác, đó là quy luật tự nhiên), giúp khắc phục tình trạng giảm trí nhớ, cho ta một bộ não minh mẫn, và quan trọng nhất, giúp ta có một tâm hồn hạnh phúc, an yên.
Tôi sẽ không bàn cãi về kết quả này nữa, mà giờ là lúc để làm theo. Nếu như bạn và tôi, chúng ta đều có những vấn đề mâu thuẫn trong gia đình mình, hoặc có ít bạn bè thân thiết, hoặc chẳng có mấy đóng góp cho xã hội, giúp đỡ được người khác thì tôi tin rằng, thời điểm này trở đi chúng ta cần thay đổi. Bạn sẽ không thể bào chữa rằng mình là người hướng nội, ngại giao tiếp, hoặc bạn thích sống theo sở thích bản thân, hoặc bạn không thể làm được…
Tôi và bạn phải làm được điều đó, trong gia đình phải thuận hòa êm ấm, phải thoải mái nói cười; vợ chồng phải tin tưởng và yêu thương nhau, đừng cãi nhau những chuyện vặt vãnh, đừng dùng những lời nói làm đau lòng lẫn nhau; đừng vô tâm với xã hội, hãy chủ động thiết lập những mối quan hệ tốt.
There isn’t time, so brief is life, for bickering, apologies, heartburning, calling to account. There is only time for loving, and but an instant, so to speak, for that.
Không có thời gian đâu, cuộc sống rất ngắn ngủi cho những cuộc cãi vã vặt vãnh, những lời hối lỗi, làm đau trái tim, và đổ lỗi. Ta chỉ còn thời gian cho sự yêu thương, và ngay lập tức, hãy nói ra điều đó.
Mark Twain
Trả lời